Bài
viết còn có tiêu đề phụ "Long live the Internet"
(Internet muôn năm) ngụ ý rằng Web mất đi
nhưng Internet còn mãi. Trong khi Internet đã trở thành nhu
cầu thiết yếu như điện năng, bài báo cho
rằng Web - một trong những công nghệ dựa trên
Internet - có đời sống hữu hạn. Vì sao?

Tạp
chí Wired số tháng 8/2010.
Nguyên nhân làm cho web lụi tàn được
chỉ rõ trong bài báo bất thường của tạp chí Wired: phần
mềm ứng dụng (application), gọi tắt là app, trên các thiết bị di
động và thiết bị chuyên dùng đang tạo ra
lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng trên internet.
App không phải là trình
duyệt web, không dùng giao thức HTTP và thường làm
việc với nội dung có dạng thức riêng, không phải
HTML. Xu hướng sử dụng internet thông qua app đang mở rộng sang
máy tính bảng (trước mắt là iPad). Những yếu
tố cốt lõi của công nghệ web (HTTP, HTML, trình
duyệt web) được xem như đang phai nhạt
dần.
"Bạn
thức dậy và kiểm thư bằng chiếc iPad
để bên giường - đó là một app. Trong bữa
sáng, bạn xem lướt Facebook, Twitter và báo The New York Times
- thêm ba app nữa. Trên đường đến văn
phòng, bạn nghe tin tức qua điện thoại thông minh
(smartphone) - một app khác. Ở nơi làm việc, bạn
rảo qua các kênh tin RSS, trao đổi với người
khác bằng Skype hoặc IM (Instant Messenger). Lại những
app khác. Cuối ngày, khi về nhà, bạn vừa chuẩn
bị bữa tối vừa nghe nhạc từ Pandora.
Bạn chơi một chút với XBox Live, rồi xem phim từ
Netflix. Hầu như cả ngày bạn ở trên internet
nhưng không ở trên web. Và nhiều người khác
cũng giống như bạn.
Đó không
phải là điều bình thường. Vài năm nay,
một trong những xu hướng quan trọng nhất
của thế giới số là sự dịch chuyển
từ nền tảng web hoàn toàn mở qua các nền
tảng hầu như khép kín, tuy cũng dùng internet làm
phương tiện truyền tải nhưng không dùng trình
duyệt web làm phương tiện hiển thị. Xu
hướng này xuất hiện từ khi có iPhone, tạo
nên những cõi riêng trên internet không cần đến HTML và
guồng máy tìm kiếm Google không thể với tới.
Đó là thế giới mà người tiêu dùng ưa
chuộng vì những nội dung mà họ thụ
hưởng tự đến với họ. Các nhà cung
cấp nội dung số càng ưa chuộng thế
giới đó vì nó giúp họ kiếm tiền dễ hơn.
Cả người tiêu dùng và nhà cung cấp đều
thấy rằng web không phải là mục tiêu cao nhất
của công nghệ số".
Từ một phong cách sống, A&W (Anderson và Wolff - hai
tác giả của bài báo) nhìn thấy một xu hướng
quan trọng đang tăng tốc. Hai ông tin rằng số
người truy cập internet bằng thiết bị di
động hoặc thiết bị chuyên dùng sẽ
vượt số người truy cập internet bằng
máy tính cá nhân. Các loại thiết bị truy cập internet không
phải là máy tính thường có màn hình nhỏ và bộ
xử lý không mạnh, do vậy cần nhiều phần
mềm ứng dụng khác nhau, thích hợp với từng
nhu cầu cụ thể. So với trình duyệt trên
thiết bị di động, các phần mềm ứng
dụng chuyên biệt tuy không đa năng nhưng dễ
dùng hơn và hoạt động nhanh hơn. Phần
mềm ứng dụng trên thiết bị di động cũng
hơn hẳn trình duyệt trong việc khai thác những
thế mạnh đặc thù của phần cứng (các
bộ cảm ứng).

Facebook app trên iPhone.
Phía sau những phần mềm ứng
dụng với công nghệ đóng kín là lợi ích to lớn
của nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp
nội dung số. Những nhà cung cấp nội dung số
từng tìm cách thu lợi từ web nhưng vô hiệu!
Nội dung trên web bị sao chép quá dễ dàng. Cung cấp
nội dung miễn phí và thu lợi từ quảng cáo là mô
hình kinh doanh ngày càng tỏ ra yếu ớt. "Ánh sáng
cuối đường hầm" xuất hiện khi Apple
thiết lập hệ thống thanh toán giúp người
dùng iPhone/iPod/iPad mua nội dung số một cách thuận
tiện, nhanh chóng. Nội dung số được phân
phối với "bao bì" là phần mềm ứng
dụng đem lại quyền kiểm soát toàn diện cho
nhà cung cấp.
Theo A&W, xu hướng mới là tất
yếu, có tính quy luật. Tính mở kéo theo sự phát
triển đa dạng. Sự phát triển đa dạng
sản sinh thế lực mạnh nhất. Thế lực
mạnh nhất tạo ra sự đóng kín để
bảo vệ vị thế của mình.
Để chứng minh, A&W viện dẫn
lịch sử công nghiệp Mỹ: "...Đó là điều không thể tránh. Các cuộc cách
mạng công nghiệp nói cho cùng là quá trình tranh giành quyền
lực. Sự phổ biến một phát minh công nghệ quan
trọng tạo ra thời kỳ "trăm hoa đua
nở". Thế rồi ai đó tìm được cách thâu
tóm tất cả và chặn đứng mọi cạnh
tranh. Chuyện này thời nào cũng có.
Trong ngành
đường sắt, sau khi những tiêu chuẩn mở về
kích cỡ được thiết lập, thời kỳ
cạnh tranh tự do bùng nổ. Vào năm 1920, nước
Mỹ có đến 186 công ty đường sắt. Những
công ty mạnh dần dần triệt hạ những công ty
yếu. Hiện nay, ngành đường sắt đạt
đến thế cân bằng với 7 công ty lớn.
Tình hình
tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực
thông tin liên lạc. Việc phát minh bộ chuyển mạch
(switchboard) cho phép các mạng điện thoại kết
nối với nhau. Sau khi bản quyền sáng chế bộ
chuyển mạch do AT&T nắm giữ hết hạn vào
năm 1894, trên 6000 công ty điện thoại
được thành lập. Tuy nhiên, đến năm 1939,
AT&T kiểm soát gần hết mạng đường
dài...".
Các chứng cứ lịch sử giúp A&W
củng cố kết luận rằng xu hướng công
nghệ đóng kín đang mạnh lên trên internet và web -
một công nghệ mở - đang mất dần phạm
vi ứng dụng. Web sẽ không biến mất nhưng là
công nghệ "chết" khi không còn là nền tảng
chủ yếu trên internet.
Thật ngạc nhiên, Tim O'Reilly - người
đặt ra thuật ngữ Web 2.0 - đồng ý với
kết luận của A&W. O'Reilly khẳng định
web chỉ là "thời niên thiếu" của internet và
internet đang chuyển qua giai đoạn mới trong
chuỗi phát triển luân phiên của tính mở (openness) và
tính đóng (closedness):
"Tính mở và
tính đóng xoay vần trong một vũ điệu vĩnh
cửu. Tính mở làm nẩy nở sáng tạo. Tính đóng
phát sinh lợi nhuận. Kiến trúc phần cứng mở
của máy tính PC đã đem đến cho chúng ta những
phần mềm đóng kín. Phần mềm nguồn mở
và các giao thức mở của internet đã đem
đến cho chúng ta những Google, Amazon, Facebook với công
nghệ đóng kín".
Cũng như A&W, O'Reilly cho rằng công
nghệ cốt lõi của web chỉ là phương
tiện, không phải là thành tựu bất diệt. Công
nghệ mở chủ đạo trên internet trong
tương lai có thể rất khác so với web hiện nay.
Tuy vậy, O'Reilly không khẳng định thể
hiện mới của tính mở sẽ khởi phát từ
đâu. Ông không muốn nói về cái chết của web: "Nói rằng web chết đi
giống như nói rằng một đứa trẻ
chết đi khi đứa trẻ ấy trở thành
người lớn. Tôi không nhìn sự việc theo cách
đó. Đứa trẻ vẫn sống và trở thành
người lớn".
A&W nhìn Apple như một thế lực
mạnh nhất đang nổi lên, khởi động xu
hướng công nghệ đóng kín chi phối sự phát
triển của internet. Nhưng có lẽ còn quá sớm
để nói rằng web đang nhường chỗ cho app. Web đang biến chuyển
mạnh mẽ theo chuẩn mở HTML5. Nhu cầu
đối với thiết bị di động có màn hình đủ
lớn, tức máy tính bảng, bao gồm nhu cầu sử dụng trình duyêt web trên thiết
bị di động. Chính iPad chứng minh nhu cầu
đó là có thực (trước khi iPad xuất hiện,
không ít người cho rằng không hề có nhu cầu
về một thiết bị trung gian giữa smartphone và laptop).
Tính đóng và mở được vận
dụng rất linh hoạt ở Google. Google đóng kín công
nghệ tìm kiếm đồng thời thúc đẩy và
sáng tạo nhiều công nghệ mở. Do có lợi ích
gắn liền với web, Google đang đẩy mạnh
việc xây dựng trình duyệt web thành một hệ
điều hành hoàn chỉnh: Chrome OS. Máy tính bảng và netbook
dùng hệ điều hành nguồn mở Chrome OS sẽ là
thiết bị sản sinh lợi nhuận cho các phần
mềm ứng dụng web (web
app). Web app tạo
được tính tương tác cao nhưng vẫn
dựa trên công nghệ web (HTML5).

Google Voice trên iPhone là web app theo chuẩn HTML5.
Với việc khẩn trương xây
dựng cửa hàng Chrome Web Store dành cho web app có cách thức hoạt động
tương tự iTunes App Store, Google đang chuẩn
bị cho vòng đua rộng lớn hơn với Apple. Nhờ
Chrome Web Store, người dùng trình duyệt Chrome dễ dàng mua,
cài đặt và gỡ bỏ web
app, gần giống như app
trên iOS (hệ điều hành của iPhone/iPod/iPad). Theo
dự định của Google, Chrome Web Store chỉ lấy
5% lợi nhuận của web
app, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 30% dành
cho Apple ở iTunes App Store.
Từ thực tế, chỉ có thể nói
rằng vũ điệu của web và app, của tính đóng và tính mở, đang quay tròn
ngày càng nhanh.
Tuy rất tin vào nhận định của
mình, A&W thừa nhận đó không phải là điều
tốt đẹp cho internet. Nếu bạn tin rằng web
cũng bất diệt như internet, bạn đứng
về phía những người phản bác bài báo của
A&W với khẩu hiệu: Long
live the Internet! Long live the Web!
NGỌC
GIAO