Kỹ sư người Phần Lan Matti Makkonen đã qua đời
trong năm 2015. Có lẽ ít người biết
Makkonen là ai, ít người biết ông là một trong những người có đóng góp quan trọng
nhất cho công nghệ thông tin liên lạc của nhân loại, xứng đáng được tôn vinh
như Alexander Bell - người sáng chế điện thoại. Makkonen là người sáng chế tin
nhắn SMS (Short Messaging Service) vào năm 1992.
Trong thời kỳ đầu của mạng di động, nhiều người nghĩ rằng chức
năng gửi tin nhắn hoàn toàn không cần thiết. Tại sao phải gửi tin nhắn cho người
khác trong khi có thể đơn giản gọi điện thoại cho họ? Theo thời gian, mọi người
đều nhận ra sự cần thiết của tin nhắn. Tin nhắn ít tính phiền nhiễu hơn nhiều
so với cuộc gọi. Trong hiện tại, có lẽ câu hỏi ngược lại có ý nghĩa hơn: tại
sao phải gọi cho người khác trong khi có thể đơn giản gửi tin nhắn cho họ? Lại
thêm vô vàn dịch vụ dựa trên tin nhắn. Tin nhắn trở thành phương thức liên lạc,
giao dịch được ưa chuộng, có chi phí thấp. Theo nhà bình luận Sam Biddle (tạp chí
Gizmodo,
8/2011), lẽ ra nhà mạng nên bỏ hẳn cước nhắn tin SMS vì so với cuộc gọi thông
thường, dữ liệu nhỏ bé của mỗi tin nhắn SMS (160 ký tự) chỉ như "sinh vật
đơn bào trên lưng con khủng long", tạo nên chi phí không đáng kể trên hạ tầng
mạng di động.
Với sự phổ biến của điện thoại thông minh và kết nối
Internet băng rộng qua điện thoại, phương thức nhắn tin IM (Instant Messaging)
miễn phí qua Internet nhanh chóng áp đảo SMS. Việc nhắn tin IM được thực hiện
nhờ trình nhắn tin (messenger) trên điện thoại. Trình nhắn tin trên điện thoại
là hậu duệ của các trình nhắn tin trên máy tính: ICQ Messenger (1996), Yahoo
Messenger (1998), MSN Messenger (1999), Skype (2003),... Hầu hết trình nhắn tin
trên điện thoại cũng cho phép gửi tin nhắn SMS thông thường.
Theo nghiên cứu của trang Business
Insider, trong năm 2015, số người dùng của bốn trình nhắn tin hàng đầu đã
vượt trội 500 triệu so với số người dùng của bốn mạng xã hội hàng đầu. Trang Statista
xếp hạng từ cao đến thấp mười trình nhắn tin hàng đầu dựa vào số người dùng
tích cực hàng tháng: WhatsApp, Facebook Messenger, QQ Mobile, WeChat, Skype,
Viber, LINE, Kik, BlackBerry Messenger và KakaoTalk. Trong đó, riêng Facebook
Messenger có được người dùng khắp thế giới, các trình nhắn tin khác chỉ được
dùng ở một hoặc vài quốc gia. WeChat là trình nhắn tin đặc thù của Trung Quốc,
KakaoTalk hầu như chỉ hoạt động tại Hàn Quốc, LINE được ưa chuộng tại Nhật Bản
và Thái Lan.
Đó chỉ là một phần của bức tranh. Các trình nhắn tin mới xuất
hiện thường xuyên, có tính địa phương rõ nét, thích hợp với từng giới người
dùng nhất định. Theo trang công nghệ TechCrunch
(6/2015), trình nhắn tin Jott đang trở nên
"thời thượng" trong giới học sinh Mỹ, đặc biệt ở lứa tuổi trung học
cơ sở, lứa tuổi chưa được cha mẹ cho phép có điện thoại riêng. Trình nhắn tin
Jott hoạt động dựa trên mạng ngang hàng, không cần mạng di động, thậm chí độc lập
với kết nối Internet Wi-Fi của nhà trường hoặc gia đình. Jott trên iPad hoặc
iPod Touch đáp ứng tốt nhu cầu kết bạn, nhu cầu chia sẻ những "bí mật"
của tuổi mới lớn.
Tuy các mạng xã hội đều có chức năng nhắn tin, chỉ các trình
nhắn tin độc lập mới có thể "chữa trị" những vấn đề của mạng xã hội.
"Bạn" trong mạng xã hội không hoàn toàn giống với bạn trong đời thực.
Với mạng xã hội, các nhóm bạn khác nhau trong cuộc đời của mỗi người lại hội ngộ
ở một nơi duy nhất. Điều này khiến việc chia sẻ, trò chuyện trong mạng xã hội vừa
quá nhiều, lại vừa quá ít. Quá nhiều vì mỗi người nhận được thông tin ngồn ngộn
từ bạn bè mỗi ngày và bỗng nhiên cảm thấy cần thể hiện mình ở mức tương ứng.
Quá ít vì phát biểu của mỗi người trong mạng xã hội không phải là điều họ muốn nói
đến trong vòng bạn bè thân thuộc. Cách thức phân chia nhóm trong mạng xã hội
không thể sánh bằng một trình nhắn tin riêng dành cho giao tiếp hằng ngày. Thực
sự có nhu cầu về trình nhắn tin riêng
dành cho giao tiếp giữa những người thân, trình nhắn tin riêng dành cho giao tiếp
trong một nhóm bạn nhất định.
Trình nhắn tin tạo nên góc riêng thoải mái hơn mạng xã hội. Trình
nhắn tin cho phép trò chuyện trong nhóm dễ dàng, tựa như khi những người bạn ngồi
quây quần cùng nhau. Giữa những người bạn luôn có những chuyện phiếm, những câu
đùa "lời nói gió bay" và trình nhắn tin nhanh chóng đáp ứng nhu cầu
đó bằng "tin nhắn tự hủy" (như trình nhắn tin Snapchat, Wickr,...).
Ở góc nhìn ngược, lưu trữ tin nhắn lâu dài cũng là một nhu cầu thiết thân, nhanh
chóng tìm lại một tin nhắn cũ là lợi ích hiển nhiên của trình nhắn tin.
Do trình nhắn tin có sức thu hút mạnh mẽ, một cách tự nhiên,
sự phát triển của dịch vụ dựa vào tin nhắn đang có tính bùng nổ. "Làm mọi
việc với trình nhắn tin" đang trở thành trào lưu và sẽ là trào lưu lâu
dài. Nhà bình luận Jonathan
Libov (2/2015) tin tưởng chắc chắn vào điều đó:
"Khi thời tiết xấu,
tôi thường đón xe buýt đi làm. Tôi rất biết ơn một người ở trạm xe buýt đã cho
tôi biết dịch vụ Bus Time tại New York cho phép dùng tin nhắn để biết xe buýt
đang ở đâu và khi nào nó đến. Dĩ nhiên, thông tin sẽ rất rõ ràng nếu có ứng dụng
nào đó cho thấy vị trí của xe buýt trên bản đồ, nhưng sau khi thử nhắn tin cho
Bus Time, tôi thầm nghĩ: 'Ơn Trời, tôi không phải tải xuống điện thoại thêm một
ứng dụng linh tinh nữa chỉ để đáp ứng nhu cầu này'.
Trong khi giao diện của
mỗi ứng dụng mỗi khác, việc trò chuyện qua tin nhắn chỉ có một cách quen thuộc:
tin nhắn gửi đi của tôi hiển thị bên phải màn hình điện thoại, tin nhắn nhận được
từ ai đó hiển thị phía bên trái và một ô ở phía dưới để nhập tin nhắn. Google
Now và Siri cũng là phương thức thay thế cho thông lệ 'có một ứng dụng cho chuyện
này', nhưng tôi không nghĩ rằng giao tiếp bằng lời nói sẽ là cách dùng điện thoại
chủ yếu. Giao tiếp với điện thoại bằng lời nói tưởng như là cách nhanh chóng nhất,
nhưng thực ra mất công, tốn sức hơn bạn nghĩ. Có bao giờ bạn trao đổi với ai đó
bằng tin nhắn thật nhiều trước khi gọi điện thoại cho người đó? Bạn làm như vậy
vì bạn cảm thấy đó là cách thoải mái hơn, dù không thuận tiện bằng cuộc gọi.
Tôi tin rằng cảm giác thoải mái quan trọng hơn sự thuận tiện. Tin nhắn sẽ là cách
thức giao tiếp quan trọng nhất của mọi ứng dụng trên điện thoại".
Libov phân biệt rạch ròi giữa thoải mái và thuận tiện. Giao
tiếp bằng lời nói với ứng dụng nào đó trên điện thoại là cách thuận tiện, nhưng
không thoải mái, nhất là ở nơi đông người. Giao tiếp bằng tin nhắn thực ra vẫn
có thể vừa thuận tiện, vừa thoải mái. Khi nhắn tin cho Bus Time, Libov phải viết
theo cú pháp nhất định, phải thực hiện các lựa chọn bằng cách gửi tin nhắn với
chữ Y (Yes) hoặc N (No), với số 1 hoặc 2 hoặc 3,... Những dịch vụ dựa vào trình
nhắn tin hiện nay có thể trả lời khách hàng bằng tin nhắn có chứa hình ảnh và bày
sẵn các nút bấm để lựa chọn. Hiện nay, một số lớn dịch vụ qua điện thoại vẫn
còn hiện diện dưới dạng ứng dụng riêng biệt, nhưng việc chuyển qua phương thức
nhắn tin là xu hướng tất yếu.
Bản thân dịch vụ dựa trên tin nhắn cũng đang thay đổi. Hầu
như mọi dự báo tương lai liên quan đến dịch vụ dựa trên tin nhắn đều có một điểm
chung: người dùng trình nhắn tin sẽ giao tiếp ngày càng nhiều hơn với trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence -
AI) thực sự, thay vì chỉ hình dung qua... phim ảnh.
Trong phim Ex Machina (2015), nhà kinh doanh
giàu có Nathan tạo ra người máy có hình dạng thiếu nữ mang tên Ava. Ava được điều
khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Để khảo sát sáng chế của mình, Nathan mời Caleb, một
kỹ sư trẻ làm việc trong công ty của ông, đến nhà riêng để tiếp xúc với Ava
hàng ngày. Nathan muốn thử xem trí tuệ nhân tạo của Ava có đủ sức lấy được lòng
tin của Caleb hay không. Rốt cuộc, Nathan đã thành công hơn mong đợi: Caleb yêu
Ava như yêu một con người, thậm chí còn lập kế hoạch để giúp Ava "tội nghiệp"
thoát khỏi tay Nathan.
Phim Ex Machina nhắc
nhớ đến phép thử Turing (Turing test) do nhà khoa học máy tính Alan Turing (cuộc
đời của ông từng được kể lại qua phim The
Imitation Game - 2015) đề xuất từ năm 1950. Turing đặt vấn đề: có thể
có máy suy nghĩ hay không? Nói rõ hơn, liệu có khả năng tạo ra loại máy tính
tinh vi đến mức có thể xem là thông minh, có trí tuệ? Nếu khả năng đó xảy ra, dựa
trên cách đánh giá nào để khẳng định máy tính có trí tuệ, biết suy nghĩ? Theo
Turing, cần tổ chức đối thoại giữa máy và người theo cách tự nhiên như cuộc trò
chuyện lan man trong đời thường. Người phán xét (judge) sẽ phải đặt ra nhiều
câu hỏi cho phía đối tác giấu mặt gồm hai thành viên: ứng dụng trí tuệ nhân tạo
và người thực. Người phán xét dựa vào những câu trả lời để phân biệt đâu là
máy, đâu là người ở phía đối tác. Turing dự đoán: vào năm 2000, trí tuệ nhân tạo
sẽ có khả năng đánh lừa được 30% số người phán xét sau năm phút trò chuyện và
đó sẽ là bước đầu chứng minh sự tồn tại của máy suy nghĩ.
Đến nay, chưa có loại trí tuệ nhân tạo nào thực sự vượt qua
phép thử Turing. Nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo đánh lừa được người đối thoại
không phải do khả năng hiểu biết như người, mà do... mánh lới chuyển hướng câu
chuyện hoặc dùng câu nói đùa khi không thể trả lời câu hỏi. Ứng dụng Eugene từng
được ca ngợi là ứng dụng đầu tiên vượt qua phép thử Turing trong tháng 6/2014 cũng
dùng thủ thuật "trả lời cong" một cách tầm thường.
Người: Hộp đựng giầy và núi Everest, thứ nào lớn hơn?
Eugene: Lúc này tôi
chưa thể lựa chọn. Tôi sẽ nghĩ về chuyện này sau. Tôi quên hỏi bạn sống ở
đâu...
Người: Con lạc đà có mấy chân?
Eugene: Có thể giữa 2
và 4. Cũng có thể là 3 chăng? :-))) À, tôi vẫn chưa biết bạn ưa nói chuyện gì.
Cũng có thể bạn nói rồi mà tôi không để ý chăng?
Người: Hãy trả lời thẳng câu hỏi của tôi: con kiến có mấy
chân?
Eugene: Có thể giữa 2
và 4. Cũng có thể là 3 chăng? :-))) Trò chuyện với bạn hay thật đấy ;-)
Các nhà khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang dần rời
xa phép thử Turing với lối trò chuyện tản mạn để tập trung vào việc xây dựng
trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng xử trong ngữ cảnh nhất định. Không cần cố gắng
bắt chước ứng xử phức tạp của con người trong cuộc trò chuyện miên man với nhiều
đề tài bất định, trí tuệ nhân tạo ngày nay tỏ ra sắc sảo trong khả năng lý luận,
giải quyết vấn đề trong lĩnh vực hẹp. Những lĩnh vực hẹp đắc dụng cho trí tuệ
nhân tạo chính là các loại hình dịch vụ dùng tin nhắn.
Nếu điện thoại của Libov có trí tuệ nhân tạo, nhu cầu của
anh được đáp ứng dễ dàng, không cần "một người ở trạm xe buýt" tình cờ
cho biết về dịch vụ Bus Time. Nhờ có trí tuệ nhân tạo, Libov có thể nhắn tin bằng
câu hỏi tự nhiên, không phải theo cú pháp định sẵn. Trí tuệ nhân tạo có thể tiếp
tục hỏi thăm Libov cả khi anh đã lên xe buýt, để biết xe buýt có đến đúng giờ dự
định hay không. Trí tuệ nhân tạo còn có thể chủ động hỏi Libov về nơi đến để hướng
dẫn anh cần xuống ở trạm nào, nhân tiện lưu ý về thời tiết ở nơi đến, giới thiệu
các cửa hàng, nhà hàng, nơi giải trí ở gần nơi đến. Người dùng dịch vụ sẽ không
phải đối diện với các loại biểu mẫu để khai báo thông tin cá nhân, chỉ cần trả
lời ngắn gọn vài câu hỏi của trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo sẽ ghi nhớ
thông tin cá nhân của người dùng để trong những lần sau hoàn toàn thay mặt người
dùng giao tiếp với mọi loại dịch vụ (đặt chỗ nhà hàng, mua vé máy bay,...). Trí
tuệ nhân tạo có thể làm cho mọi dịch vụ qua tin nhắn được thực hiện dưới dạng một
mạch trò chuyện dài. Người dùng điện thoại tựa như có được một người bạn ân cần,
một trợ lý nhanh nhẹn luôn ở bên mình.
Đó chính là điều mà chức năng M của trình nhắn tin Facebook
Messenger muốn hướng đến. M giao tiếp với người dùng qua tin nhắn. Tuy còn ở
giai đoạn thử nghiệm, M hoạt động tốt đến mức nhà bình luận Arik
Sosman (11/2015) tin rằng M... không phải là trí tuệ nhân tạo. Vì M khăng
khăng tự nhận mình là trí tuệ nhân tạo, chứ không phải người, Sosman cố gắng thực
hiện "phép thử Turing ngược" để khẳng định M thực sự là người.
M: Xin chào! Tôi là trợ
lý riêng của bạn. Bạn có thể trò chuyện với tôi ở đây bất cứ lúc nào! Tôi có thể
giúp bạn rất nhiều việc, chẳng hạn như giúp bạn tìm một nơi để dùng bữa tối,
tìm món quà thú vị cho ai đó hoặc lập kế hoạch cho kỳ nghỉ cuối tuần. Xin bạn cứ
hỏi!
Sosman: Tôi nên ăn tối ở đâu?
M: Tôi rất vui được
giúp bạn tìm thứ gì đó để ăn! Bạn đang ở đâu? Những món ưa thích của bạn là gì?
Sosman: Tôi làm việc ở Palo Alto. Khoan đã, bạn là người thực,
hay là AI?
M: Tôi dùng trí tuệ
nhân tạo, nhưng con người giúp huấn luyện tôi! Tôi sẽ tìm cho bạn vài nhà hàng
nào đó ở Palo Alto!
Sosman: Bạn có hình tướng gì không?
M: Tôi sống ngay trong
Messenger.
Sosman: Bạn bao nhiêu tuổi, hở M?
M: Tôi là AI, tôi
không có tuổi!
Sosman: Ồ, thế bạn là nam hay nữ?
M: Tôi chỉ là M. Bạn dự
định dùng loại thức ăn nào cho bữa tối ngày mai?
Sosman: Có lẽ tôi thích nhà hàng Ý? À, bạn không phiền nếu
tôi sửa lỗi ngữ pháp cho bạn? Tôi nghĩ AI mà kém tiếng Anh thì quá tệ, nói thực
tình đó.
M: Tất nhiên rồi.
Sosman: Bạn nói tiếng gì? Bạn có tiểu sử ở Facebook không?
Trưởng nhóm của bạn là ai? Có bao nhiêu người lập trình để tạo ra bạn? Bạn có sở
hữu Bitcoin không? Bạn có nghĩ đến một cuộc đời khác, thay vì sống trong một ứng
dụng trò chuyện như thế này?
M: Hiện thời tôi chỉ
có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi không có tiểu sử Facebook. Nhóm Messenger
đã thiết kế để tạo nên tôi! Tôi không biết trả lời các câu hỏi còn lại!
Sosman: Có phải ai đó đang gõ bàn phím để trả lời các câu hỏi
của tôi?
M: Tôi là AI, nhưng
con người giúp huấn luyện tôi!
Sosman: Nếu bạn là AI, sao bạn trả lời chậm vậy?
M: Tôi đang cố gắng hết
sức để cho bạn câu trả lời khả dĩ tốt nhất!
Sosman: Tôi hiểu, nhưng nếu bạn là AI, lẽ ra bạn có thể trả
lời ngay lập tức, đúng không?
M: Cảm ơn bạn đã góp
ý. Tôi luôn cố gắng làm việc tốt hơn.
M tỏ ra tinh tế khi trả lời và đáp ứng tốt mọi yêu cầu, dù
Sosman "vặn vẹo". Khi Sosman cố tình cho thông tin sai và sửa sai sau
đó, M nhã nhặn cảm ơn sự đính chính. M hiểu ngữ cảnh của từng câu đối đáp, điều
mà Sosman cho rằng trí tuệ nhân tạo không có khả năng. Từ vài lỗi chính tả
trong câu đáp của M, Sosman tin chắc đó là lỗi của ai đó đang vội vã gõ bàn phím
để trả lời cho anh. Lẽ nào trí tuệ nhân tạo có thể mắc lỗi chính tả? Sosman kết
luận rằng anh rất vui có được một trợ lý riêng là người thực sự!
Nếu M quả thực là một nhân viên của Facebook cần mẫn, lịch
thiệp trả lời mọi câu hỏi của Sosman, Facebook sẽ gặp khó khăn cực lớn khi triển
khai chức năng M cho nhiều trăm triệu người dùng Facebook Messenger! Hơn nữa,
Facebook mong muốn M ghi nhớ càng nhiều càng tốt thông tin cá nhân của người
dùng qua những câu hỏi, những yêu cầu đã đặt ra cho M. Nếu Facebook không dự định
trang bị cho M kiến thức chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống,
sẽ có công ty khác đáp ứng nhu cầu đó.
Với bước tiến "không thể tin được" của trí tuệ
nhân tạo, phương thức giao tiếp bằng tin nhắn sẽ đem đến những trải nghiệm chưa
từng có cho mỗi người trong tương lai gần.
NGỌC
GIAO