Nhiều người Mỹ từng đến Kenya nhận xét rằng trả tiền tắc-xi
ở thủ đô Nairobi thuận tiện hơn ở New York. Cũng như việc trả tiền cho nhiều
thứ trong cuộc sống hằng ngày, người đi tắc-xi ở Kenya trả tiền bằng cách gửi tin
nhắn với điện thoại di động thông thường. Cách thanh toán như vậy đòi hỏi bên
trả tiền và bên nhận tiền đều là khách hàng của nhà mạng di động Safaricom và
đều dùng dịch vụ M-Pesa của Safaricom (M
nghĩa là Mobile, Pesa nghĩa là "tiền" trong tiếng Swahili của người
Kenya).
Tại Kenya, những người làm việc ở thành phố hầu như đều dùng
tin nhắn M-Pesa để gửi tiền về cho gia đình ở nông thôn. Người gửi nạp tiền vào
tài khoản của mình tại điểm giao dịch M-Pesa. Người nhận tiền có thể nhận tiền
mặt tại điểm giao dịch M-Pesa hoặc cũng dùng tin nhắn chi trả các khoản chi
tiêu.
Khai trương từ năm 2007, dịch vụ M-Pesa hiện có khoảng
40.000 điểm giao dịch, thu hút hơn 70% số người trưởng thành ở Kenya (khoảng 20
triệu người). Mỗi năm, khoảng 10 tỉ USD (hơn 20% tổng sản phẩm quốc gia của
Kenya) "chảy" qua kênh giao dịch M-Pesa. Trong điều kiện phần lớn
người dân Kenya (hơn 70% hộ gia đình) không có tài khoản ngân hàng, lượng giao
dịch không dùng tiền mặt tăng mạnh nhờ M-Pesa đã tác động rõ rệt đến sự phát triển
kinh tế của Kenya.
Chuyển
tiền bằng tin nhắn trong dịch vụ M-Pesa.
Nhiều nước khác như Tanzania, Uganda, Nigeria, Afghanistan,
Philippines, Ấn Độ,... đã học tập kinh nghiệm của Safaricom ở Kenya để triển
khai dịch vụ tương tự.
Tại Afghanistan, dịch vụ tương tự M-Pesa được chính phủ áp
dụng để trả lương cho công chức. Nhờ vậy, chính phủ Afghanistan có điều kiện
tiết kiệm chi phí in tiền, vận chuyển tiền và từ đó có điều kiện tăng lương cho
công chức. Hạn chế việc vận chuyển tiền, nhất là việc vận chuyển tiền đến các
vùng xa để trả lương, là điều rất có ý nghĩa đối với chính phủ Afghanistan
trong tình trạng giao tranh thường xuyên với lực lượng Taliban. Người vi phạm
luật giao thông ở Afghanistan cũng gửi tin nhắn để nộp phạt, thay vì nộp cho
cảnh sát như trước.
Hillary Clinton - nguyên bộ trưởng ngoại giao Mỹ - từng đặt
câu hỏi vì sao cách làm sáng tạo tuyệt vời của Kenya không xuất hiện ở nước Mỹ.
Cách triển khai dịch vụ M-Pesa của nhà mạng Safaricom thực
ra không đặc biệt. Safaricom có thuận lợi bước đầu khi chiếm hơn 50% thị trường
mạng di động (thị phần của Safaricom ngày càng tăng nhờ dịch vụ M-Pesa). Điểm
giao dịch M-Pesa phát triển rộng khắp Kenya vì ai cũng có thể đăng ký để trở
thành đại lý của M-Pesa. Sau khi theo học một lớp huấn luyện ngắn của Safaricom,
người tạo ra điểm giao dịch M-Pesa bắt đầu việc kinh doanh của chính họ: tự bỏ
vốn để "mua sỉ" M-Pesa (nạp tiền vào tài khoản M-Pesa của đại lý) và
"bán lẻ" đến những người muốn gửi hoặc nhận tiền qua M-Pesa. Người
dùng M-Pesa ở thành phố còn có thể rút tiền mặt tại máy ATM.
Một điểm
giao dịch M-Pesa tại Kenya.
Lạ thay, phí giao dịch của M-Pesa hiện nay không thật hấp
dẫn. Để gửi số tiền từ 10 Ksh (Kenya shilling) đến 50 Ksh, người gửi phải mất 3
Ksh (số tiền gửi không thể nhỏ hơn 10 Ksh). Với số tiền gửi từ trên 500 Ksh đến
5000 Ksh, người gửi chịu phí 33 Ksh. M-Pesa khuyến khích người dùng thực hiện
giao dịch qua tin nhắn, không dùng tiền mặt: nếu rút tiền mặt từ tài khoản
M-Pesa, người dùng phải chịu thêm phí rút tiền. Rút từ 50 Ksh đến 100 Ksh phải
chịu phí đến 10 Ksh.
Doanh thu của M-Pesa lớn nhờ số lượng giao dịch lớn. Trị giá
của mỗi giao dịch M-Pesa thường không lớn. M-Pesa không phải là cách thực hiện
giao dịch trị giá lớn.
Lượng tiền giao dịch qua M-Pesa và thông tin về người dùng
M-Pesa được Ngân hàng Trung ương Kenya quản lý chặt. Safaricom phải thực hiện
chế độ báo cáo định kỳ cho Ngân hàng Trung ương. Safaricom không được phép nắm
giữ lượng tiền của M-Pesa, mà phải gửi vào nhiều ngân hàng thương mại.
Tuy cách làm dịch vụ M-Pesa không đặc biệt, thành công lớn
của M-Pesa có được nhờ uy tín của Safaricom. Đối với người dân Kenya, thương
hiệu Safaricom quen thuộc hơn nhiều so với những ngân hàng thương mại mà
Safaricom dựa vào để thực hiện dịch vụ M-Pesa. Đó là điều không có ở nước Mỹ,
nơi mà người dân tín nhiệm các ngân hàng phát hành thẻ hơn các nhà mạng. Yếu tố
"uy tín" tuy vô hình nhưng gần như quyết định thành bại của dịch vụ
M-Pesa. Ấn Độ có dân số lớn nhưng không có nhà mạng với uy tín áp đảo nên các
dịch vụ tương tự M-Pesa tại Ấn chưa thể thành công ở phạm vi lớn, như mong đợi
của các nhà đầu tư.
Có lẽ không ai phủ nhận rằng dịch vụ M-Pesa là dịch vụ
chuyển tiền và thanh toán. Tuy vậy, có không ít ý kiến cho rằng bản thân tiền
tệ cũng chỉ là phương tiện thanh toán, do đó, khi dịch vụ như M-Pesa phát triển
đến mức nhất định, "tiền di động" (tiền lưu hành trên mạng di động)
trở thành một loại tiền mới.
Rút tiền
mặt tại điểm giao dịch M-Pesa.
Theo nhà bình luận Robert Bryce (tạp chí Wired - 30/5/2014),
tiền giấy đã thay vàng trở thành phương tiện thanh toán thuận tiện, phổ biến,
do vậy, phương tiện thanh toán mới, thuận tiện hơn, thay thế tiền giấy, trở
thành loại tiền mới, là điều tất yếu xảy ra. Bryce cho rằng phương tiện thanh
toán mới chính là "tiền di động".
Thay cho việc trao đổi hàng hóa trực tiếp, đồng tiền vàng
bắt đầu được dùng vào khoảng 560 năm trước Công nguyên, tại vùng đất thuộc Thổ
Nhĩ Kỳ ngày nay. Những đặc tính của vàng khiến con người tự nhiên tin rằng vàng
có giá trị riêng, mọi thứ có giá trị đều có thể quy thành tiền vàng. Tuy nhiên,
vàng có nhược điểm quan trọng: quá nặng khi lưu chuyển.
Vào thế kỷ 13, hoàng đế Nguyên Mông Kublai Khan (cháu của
hoàng đế Mông Cổ Genghis Khan lừng danh) nhận thấy rằng giá trị của vàng có
tính quy ước, tồn tại vì mọi người tin vào giá trị ấy. Kublai Khan tạo ra tiền
giấy và khẳng định giá trị của tiền giấy bằng quyền lực của mình.
Cho đến nay, giá trị của mọi loại tiền giấy luôn được duy
trì bằng quyền lực. Tuy nhiên, quyền lực của người phát hành tiền giấy không
còn quá lớn như xưa. Loại tiền được ưa chuộng là loại có giá trị tương đối bền
vững và có khả năng lưu chuyển nhanh.
Nhà xã hội học Georg Simmel (Đức) cho rằng giá trị của tiền
chủ yếu nằm ở khả năng lưu chuyển. Loại tiền có khả năng lưu chuyển nhanh, giúp
con người thỏa mãn nhu cầu trong thời gian ngắn nhất, là loại tiền được ưa
chuộng nhất. Do vậy, có nhiều ý kiến khẳng định khi phát triển đến mức nhất
định, tiền lưu chuyển trên mạng thực sự là loại tiền mới.
Luận điểm quan trọng của những người sáng tạo giải pháp tiền
Bitcoin trên mạng là tốc độ lưu chuyển của tiền sẽ đạt mức cao nhất khi tiền
hoàn toàn "trơn", không bị hao hụt khi lưu chuyển (không chịu phí
giao dịch). Muốn vậy, mạng lưới giao dịch tiền phải giống như bản thân
Internet: thoát khỏi khái niệm "quốc gia".
Giải pháp tiền Bitcoin dựa vào việc giải quyết thành công
bài toán hóc búa của khoa học máy tính, thường gọi là "Bài toán của các
tướng lĩnh Byzantine" (Byzantine Generals Problem - BGP). BGP được phát
biểu như sau: "Các tướng lĩnh
Byzantine dẫn quân bao vây thành phố địch và dùng những người giao liên để trao
đổi ý kiến, thống nhất kế hoạch tấn công. Một vài người trong các tướng có thể
là kẻ phản bội, tìm cách làm sai lệch thông tin. Phải tìm giải thuật để vô hiệu
hóa những kẻ muốn làm sai lệch thông tin".
Dựa vào giải thuật BGP, giao dịch Bitcoin trên toàn cầu luôn
xác thực, không thể giả mạo và không chủ thể nào tham gia mạng Bitcoin có thể
tùy ý thay đổi giá trị tiền Bitcoin.
Tuy Bitcoin xứng đáng là "tiền di động" hoàn hảo,
thành công của tiền Bitcoin vẫn còn là dấu hỏi lớn vì Bitcoin không có điểm
xuất phát giống như vàng (tự nhiên được tin rằng có giá trị) hoặc như tiền giấy
(giá trị được tạo ra và duy trì bằng quyền lực). Bitcoin không gắn với thương
hiệu nào. Thuyết phục người bình thường tin vào giải thuật BGP là điều vô cùng
khó.
Ngay cả thành công của "tiền di động" theo kiểu
M-Pesa trong phạm vi quốc gia bất kỳ cũng không là điều chắc chắn.
Chỉ có một điều chắc chắn: vai trò của tiền giấy ngày càng
giảm, số người dùng tiền giấy sẽ trở thành thiểu số trong mọi quốc gia.
NGỌC GIAO