Một ngày đầu tháng 6/2014, tại vùng nông
thôn thuộc bang Piauí của Brazil, Mike Cassidy - giám đốc dự án Loon của Google
tại Brazil - thức dậy thật sớm, trước khi mặt trời mọc. Cassidy cùng đồng đội
lái xe khoảng một giờ, đến khu vực hoang vắng để thả các khí cầu mang theo thiết
bị kết nối Internet. Xong việc thả khí cầu, Cassidy lái xe qua những đường đất
gập ghềnh để đến làng Agua Fria, ở vùng ngoại ô của thị trấn Campo Maior.

Khí cầu Loon được thả ở một vùng hẻo lánh của Brazil trong tháng
6/2014.
Cẩn thận lái xe chầm chậm, tránh né những
chú gà và heo nháo nhác trên đường làng, cuối cùng Cassidy đến được một ngôi
trường nhỏ bé, nơi chưa từng biết đến Internet tốc độ cao. Người dân trong vùng
thực ra không xa lạ với điện thoại di động, nhưng đôi khi họ phải trèo lên cây
cao mới bắt được sóng di động. Hiệu trưởng, đồng thời là người nấu bữa ăn trưa
cho học sinh của trường, hướng dẫn Cassidy thăm các lớp học. Khi Cassidy hỏi
chuyện học sinh, em nào cũng mơ ước lớn lên làm bác sĩ hoặc kỹ sư.
Sau khi cùng đồng đội lắp đặt ăng-ten đặc
biệt, Cassidy bắt được ngay tín hiệu của các khí cầu mà nhóm của anh vừa thả
trước đó. Sau vài phút, chiếc máy tính đặt trong lớp được kết nối Internet qua
sóng Wi-Fi thông thường. Giáo viên có thể giảng giải cho học sinh bài học về nước
Portugal (Bồ Đào Nha) thông qua Google Maps và hướng dẫn học sinh tìm thêm
thông tin ở Wikipedia hoặc qua Google.
Từ tháng 6/2013, các nhóm thuộc dự án Loon
của Google bắt đầu thả khí cầu thử nghiệm lên tầng bình lưu của khí quyển, cao
hơn những tuyến bay hàng không dân dụng. Tầng bình lưu chỉ có gió nhẹ, phân
thành nhiều lớp theo độ cao. Để đưa khí cầu vào quỹ đạo đã định, Google dùng
thiết bị điều khiển trên mặt đất thay đổi độ cao của khí cầu, nhằm đón luồng
gió thích hợp. Chỉ cần một khí cầu trong mạng lưới liên lạc với trạm mặt đất có
đường truyền Internet, tất cả khí cầu của mạng lưới đều thực hiện được vai trò
của điểm truy cập Internet. Google muốn đóng góp vào hạ tầng của Internet bằng
một mạng lưới khí cầu vòng quanh Trái Đất, chuyện "điên rồ" mà không
ít người tin chắc rằng chẳng đi đến đâu. Với tên Loon có nghĩa là "điên rồ",
chính Google thừa nhận tính phiêu lưu của dự án.

Lắp ăng-ten thu sóng từ khí cầu Loon tại một trường làng ở Brazil.
Sau một năm thử nghiệm, Cassidy khẳng định
khả năng thành công của dự án đã vượt mức 50%. Theo Cassidy, các khí cầu của dự
án Loon nay được điều khiển chính xác hơn gấp mười, có thời gian bay dài hơn gấp
mười và băng thông của đường truyền Internet qua khí cầu cũng lớn hơn gấp mười
so với một năm trước. Nay các khí cầu Loon còn có thêm khả năng phát sóng theo
chuẩn LTE, cho phép bắt tín hiệu khí cầu trực tiếp bằng thiết bị di động, thay
vì phải thông qua ăng-ten đặc biệt. Tốc độ truyền dữ liệu từ khí cầu đến
ăng-ten đặc biệt là 22 MB/giây, tốc độ truyền dữ liệu đến thiết bị di động thấp
hơn, khoảng 5 MB/giây.
Một năm trước, mỗi khí cầu chỉ bay được khoảng
vài ngày. Khi lượng khí helium bên trong khí cầu bị thất thoát đến mức nhất định,
nhóm dự án Loon điều khiển cho khí cầu đáp xuống một địa điểm định trước để thu
hồi, bảo trì. Nhóm dự án Loon phát hiện khí helium không chỉ rò rỉ qua các mối
nối của vỏ khí cầu, mà còn thất thoát qua những lỗ cực nhỏ trên mặt vỏ. Trong
lúc làm việc với vỏ khí cầu trải trên mặt đất, nhóm dự án Loon nay phải mang loại
vớ mịn đặc biệt, thay vì mang vớ thông thường như trước, để tránh tạo các lỗ rò
cực nhỏ. Khi thử nghiệm vật liệu tạo vỏ khí cầu ở áp suất cao và nhiệt độ rất
thấp, khoảng -40 độ C, tương tự tình trạng hoạt động của khí cầu ở tầng bình
lưu, nhóm dự án Loon thấy rằng sự rò khí qua lỗ cực nhỏ trở nên đáng kể.
Việc khắc phục hiện tượng rò khí qua vỏ
giúp các khí cầu Loon có thể bay trung bình 75 ngày. Riêng khí cầu Ibis 152
(Google đặt tên cho khí cầu là Ibis, tên một loại cò có mỏ cong, thường gọi là
"cò quăm") hiện đã bay được 100 ngày và vẫn còn đang bay. Cassidy hy
vọng sau một năm nữa, thời gian bay trung bình của khí cầu Loon sẽ là 100 ngày
và số lượng khí cầu bay đồng thời tạo thành một "vành đai ôm Trái Đất"
tăng lên khoảng 400 (hiện chỉ có khoảng 100), đủ khả năng phủ sóng ổn định.
Theo ước tính của Google, đường bay đã định của các khí cầu ở Bán Cầu Nam có thể
đưa hàng tỉ người sống ở những vùng hẻo lánh đến với Internet.

Một kỹ sư của dự án Loon thử nghiệm thiết bị phát sóng LTE của khí cầu
tại một khách sạn ở Teresina (thủ phủ bang Piauí, Brazil).
Không chỉ cung cấp kết nối Internet miễn
phí cho các vùng xa ở Bán Cầu Nam, Google còn dự trù khả năng thương mại của dự
án Loon. Công nghệ của dự án Loon có thể giúp tạo ra hạ tầng bổ sung cho mạng
di động ở các đô thị. Astro Teller - người lãnh đạo bộ phận nghiên cứu bí mật
mang tên Google X - khẳng định: "Không
nhất thiết chỉ hướng đến vùng nông thôn. Ngay ở Silicon Valley, bạn vẫn có thể
mất kết nối Internet khi đang lái xe. Những cao ốc, những ngọn đồi có thể chắn
tín hiệu. Các khí cầu có thể cung cấp kết nối Internet cho các điểm chết của mạng
di động hiện nay". Teller thừa nhận rằng ông từng lo ngại dự án Loon vấp
phải sự chống đối của các nhà mạng vì mâu thuẫn lợi ích. Thế nhưng hiện nay các
nhà mạng đã chủ động hợp tác với dự án Loon với mong muốn bổ sung hạ tầng mạng
di động để xóa bỏ các điểm chết. Sau cuộc thử nghiệm tại New Zealand, dự án
Loon có được sự hợp tác của nhà mạng Vodaphone. Tại Brazil, Cassidy cho biết dự
án Loon đang hợp tác với hai nhà mạng lớn nhất: Vivo và Telebras.
Triển vọng thương mại của dự án Loon khiến
Google tăng cường đầu tư. Ngân quỹ cho dự án Loon hiện nay không thua kém dự án
mắt kính thông minh Google Glass, cũng như dự án xe tự hành Google. Teller lạc
quan: "Đến sinh nhật thứ hai của dự
án Loon, chúng tôi hy vọng việc thử nghiệm sẽ kết thúc, mạng lưới khí cầu sẽ đi
vào hoạt động lâu dài. Tại một hoặc nhiều quốc gia, bạn sẽ có thể bật điện thoại
và dễ dàng bắt tín hiệu của khí cầu. Vâng, khi ấy mạng lưới khí cầu sẽ thực sự cung
cấp dịch vụ".
NGỌC GIAO