Ngày 8/1/1943, cô hầu phòng của khách sạn
New Yorker, thuộc khu Manhattan (New York) phát hiện một vị khách đã qua đời lặng
lẽ trong phòng. Đó là Nikola Tesla, người gốc Croatia, sinh năm 1856. Tesla đã
phát minh cách thức sản xuất điện năng mà ngày nay cả thế giới vẫn đang dùng. Tesla
mất đi trong khi nợ nần chồng chất với những dự định kỳ vĩ còn dang dở: truyền
tải năng lượng không dây xuyên đại dương, khai thác năng lượng từ không
gian,... Với khả năng sáng tạo mạnh mẽ lạ thường, Tesla rời khỏi công ty của
Thomas Edison, để tự khởi nghiệp. Tesla không thành công vì ông là nhà phát
minh hơn là doanh nhân.
Năm 1985, một cậu bé 12 tuổi ở Michigan
luôn mơ ước trở thành nhà phát minh thay đổi thế giới, đã bật khóc khi đọc tiểu
sử của Tesla. Cậu bé đó mang tên Larry Page. Từ câu chuyện của Tesla, cậu bé
Page mơ hồ nhận ra rằng để trở thành nhà phát minh thành công, nhất thiết phải
là doanh nhân thành công, giống như Edison.
Trong thời gian làm luận án tiến sĩ ở Đại học
Stanford, Page đề xuất ý tưởng có quy mô lạ thường tựa như các dự án của Tesla:
tải xuống mọi trang mạng của Web để phân tích nội dung và xếp hạng trang mạng dựa
vào các mối liên kết. Bằng cách đó, Page cho rằng có thể thực hiện việc tìm kiếm
thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, hoàn toàn tự động, trên toàn bộ Web.
Cùng với Sergey Brin, người bạn đồng học ở
Stanford, với số vốn vay 1 triệu USD từ bạn bè và gia đình, Page thành lập Công
ty Google vào ngày 4/9/1998 để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Larry Page và Sergey Brin.
Thiết lập hệ thống máy chủ mạnh là yếu tố
quyết định thành công của giải thuật tìm kiếm Google. Nhờ những cải tiến quan
trọng về phần cứng, trên cùng diện tích thuê mướn, Google có thể "nhồi
nhét" 1500 máy chủ trong khi những công ty dịch vụ tìm kiếm khác chỉ có thể
lắp đặt tối đa 50 máy chủ. Tốc độ nhanh và quy mô lớn vượt trội đối thủ luôn là
tôn chỉ hàng đầu trong suy nghĩ của Page.
Chỉ sau một năm, Google phải dời trụ sở từ
một nhà xe chật hẹp đến tòa nhà lớn ở khu Mountain View, California, để đáp ứng
nhu cầu phát triển.
Trong công việc, Page và Brin tỏ ra là người
kỹ thuật, duy lý, thường tranh luận gay gắt, không khoan nhượng về những ý tưởng
mới. Giữa cuộc cãi vã, Page và Brin thường mắng nhau là "ngu ngốc",
"khốn kiếp", nhưng tình bạn của họ vẫn không sứt mẻ. Mối quan hệ giữa
Page và Brin tạo ra một kiểu văn hóa của Google, trong đó mỗi nhân viên phải sẵn
sàng hứng chịu những phê phán không chút vị nể từ mọi đồng nghiệp.
Những trận đấu khúc côn cầu của nhân viên
Google ngoài giờ làm việc cũng thể hiện rõ nét văn hóa Google. Người chơi hết
mình, xây xát, bầm dập, ướt đẫm mồ hôi khi rời sân, là người được kính trọng nhất.
Page và Brin phải ra sức chống đỡ những đòn tấn công quyết liệt của đối phương trên
sân. Thứ bậc trong công ty không có hiệu lực trong thể thao.
Vào một ngày của năm 2000, kỹ sư Wesley
Chan, người quản lý dự án Google Toolbar, nói với Page rằng nếu Google Toolbar
chỉ có chức năng tìm kiếm thông tin, sẽ không thu hút được người dùng. Theo
Chan, Google Toolbar cần có thêm chức năng ngăn chặn tự động những cửa sổ quảng
cáo bung ra từ trang mạng. Page đáp: "Đó
là điều ngu ngốc nhất mà tôi từng nghe. Anh ở đâu đến đây?". Tuy vậy,
mọi nhân viên đều biết rằng khi Page thực sự tức giận, Page sẽ không nói gì cả,
không nhìn ai hết và lẳng lặng bỏ đi.
Không nản chí, Chan bí mật cài đặt Google
Toolbar trên máy tính của Page để chứng tỏ hiệu quả thực tế. Page đổi ý và
Google Toolbar trở thành sản phẩm thành công.
Để phát triển, Google cần vốn lớn, nhưng
các nhà đầu tư không tin Page có đủ kinh nghiệm điều hành công ty lớn. Lúc ấy, Page
khẳng định rằng ngoài Steve Jobs, đang là giám đốc điều hành Apple, không có ai
khác bên ngoài thích hợp với chức vụ giám đốc điều hành Google. Cuối cùng, Page
phải nhân nhượng yêu cầu của các nhà đầu tư, chấp thuận cho Eric Schmidt, từng
là giám đốc điều hành Novell, tham gia lãnh đạo Google với tư cách chủ tịch hội
đồng quản trị.
Tháng 7/2001, khi Google đang có khoảng 400
nhân viên, Page đột nhiên quyết định loại bỏ chức vụ "quản lý dự án".
Với tư cách giám đốc điều hành, Page muốn trở lại như thuở ban đầu, trực tiếp
làm việc với từng kỹ sư, không cần thông qua người quản lý dự án. Stacey
Sullivan, người phụ trách nhân sự, phản đối Page: "Anh không thể tự tổ chức mọi việc. Nhân viên cần có ai đó hiểu rõ
vấn đề của họ để giải quyết". Page nhất quyết làm theo ý mình. Công việc
ở Google bắt đầu trở nên rối.
Tháng 8/2001, các nhà đầu tư quyết định đưa
Schmidt vào chức vụ giám đốc điều hành, thay thế Page. Page giữ chức vụ quản lý
sản phẩm, nhưng trong thực tế, không có quyền kiểm soát hoạt động hàng ngày ở
Google.
Page trở thành "Steve Jobs" của
Google.
Hầu như mọi người đều biết chuyện Jobs từng
bị cô lập, trở nên thừa ở Apple và phải rời khỏi Apple - công ty do chính Jobs
sáng lập. Có điều ít người biết là hội đồng quản trị Apple hoàn toàn đúng khi
sa thải Jobs. Vào lúc ấy, Jobs là người nóng nảy, ngạo mạn. Sau khi rời Apple, Jobs
tỉnh ngộ, tìm con đường khác với tư thế chững chạc hơn. Về sau, khi trở lại vị
trí lãnh đạo Apple, Jobs hầu như là người khác!
Đối với Page, sự việc ít nghiêm trọng hơn,
nhưng phải "đứng bên lề" ở Google là nỗi khổ tâm không nhỏ. Chuyện không
hay cũng có điều tích cực: rời khỏi việc điều hành Google, Page có thời gian
theo đuổi, thử nghiệm những ý tưởng riêng. Không thể nói đó không phải là niềm
vui của Page.

Eric Schmidt, Larry Page và Sergey Brin.
Nhân viên Google đôi khi bắt gặp Page lái
xe lòng vòng ở Palo Alto. Có khi Page cho xe dừng lại, chụp ảnh, cho xe nhích tới,
dừng lại, chụp ảnh và cứ thế tiếp tục trên một quãng đường dài. Với ý tưởng của
Page, sản phẩm Google Street View xuất hiện năm 2007, cho phép người dùng tìm
kiếm đường đi và quan sát cảnh vật thực sự dọc theo đường đi. Đến năm 2014, phạm
vi tìm kiếm đường đi của Google Street View hầu như bao trùm toàn bộ Trái Đất.
Cũng như Jobs, trong thời gian "tĩnh
tâm", Page kết hôn và có con, tìm được hạnh phúc gia đình riêng.
Vào năm 2005, Page nhận định: trong tương
lai Google nhất thiết phải xuất hiện trên thiết bị di động. Page thuyết phục hội
đồng quản trị Google về việc sáp nhập một công ty nhỏ mang tên Android, do Andy
Rubin sáng lập. Đó cũng là thời điểm Android gần như cạn vốn, không thể tiếp tục
phát triển loại điện thoại có khả năng kết nối Internet. Android trở thành một
bộ phận nghiên cứu riêng của Google, không thuộc quyền quản lý của Schmidt.
Page dành phần lớn thời gian để làm việc với Rubin trong dự án bí mật: xây dựng
hệ điều hành Android.
Năm 2007, hệ điều hành Android sắp hoàn
thành vào lúc Apple công bố điện thoại đầu tiên dùng màn hình cảm ứng, mang tên
iPhone. Điện thoại iPhone đã khiến nhóm dự án Android kinh ngạc. Page và Rubin
quyết định gấp rút xây dựng lại Android để thích hợp với màn hình cảm ứng, thay
vì thiết kế cho điện thoại dùng bàn phím thực như BlackBerry.
Một năm sau, vào tháng 9/2008, với sự hợp
tác của nhà mạng T-Mobile, Google giới thiệu sản phẩm G1, điện thoại đầu tiên
dùng hệ điều hành Android, có màn hình cảm ứng giống như iPhone. Dưới quyền quản
lý của Page, dự án Android thành công rực rỡ.
Vào tháng 1/2011, Schmidt gửi đi tin nhắn
Twitter... khó hiểu: "Adult supervision
no longer needed" (không cần người lớn chăm nom nữa). Tại Google, Schmidt
thông báo "trao trả" chức vụ giám đốc điều hành cho Page.
Cũng như Jobs, khi nhận lại trách nhiệm điều
hành công ty do mình sáng lập, Page hầu như là người khác!
NGỌC GIAO phỏng dịch